Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Dịch nCoV - tiếng kêu cứu từ những 'khu rừng lặng thinh'

Ngày 26/1, chính phủ Trung Quốc đã ban bố lệnh tạm thời đình chỉ buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển động vật hoang dã trên toàn quốc cho đến khi hết dịch viêm phổi cấp do virus 2019-nCoV. Các trang mạng buôn bán động vật hoang dã cũng phải tạm đóng cửa.

Từ khi dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona 2019-nCoV bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, một câu hỏi đang được giới khoa học ráo riết tìm lời giải đáp đó là virus 2019-nCoV từ đâu ra? Bỏ qua các đồn đoán thiếu căn cứ, thông tin chính thống hiện nay đặt ra giả thuyết virus nCoV xuất phát từ động vật hoang dã, cụ thể là dơi, truyền sang người, sau đó truyền từ người sang người. Các ca nhiễm bệnh đầu tiên ở thành phố Vũ Hán được xác định xuất phát từ khu chợ buôn bán thủy sản và động vật hoang dã.

Không chỉ nCoV, các virus gây bệnh SARS và MERS, có họ hàng gần với nCoV, cũng được xác định có nguồn gốc từ dơi, truyền sang một số loài chồn (Civets) rồi đến người. Virus HIV type 1 xuất phát từ tinh tinh (Chimpanzee). Virus Ebola, từng gây ra nhiều trận dịch kinh hoàng, cũng được xem bắt nguồn từ động vật hoang dã, rất có thể là dơi, sau đó truyền sang một số loài linh trưởng như tinh tinh, khỉ, vượn, trước khi đến người.

Một nghiên cứu của Chương trình toàn cầu về virus gậy bệnh có nguồn gốc từ động vật (Global Virome Project) ước tính có khoản 1,6 triệu virus thuộc 25 họ virus đang hiện diện trong động vật hoang dã có tiềm năng gây hại cho con người, 99.9% trong số đó chưa được phát hiện.

Đợt bùng phát dịch lần này đáng được xem là hồi chuông cảnh báo về những mối nguy tiềm ẩn trong việc tiêu thụ động vật hoang dã. Ngoài ra cũng đến lúc cần xem lại thói quen sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trong bối cảnh tài nguyên sinh vật đã đến mức cạn kiệt như hiện nay. Nhu cầu tiêu thụ trong một bộ phận quần chúng đã dẫn đến tình trạng săn bắt vô tội vạ, vượt ngoài tầm kiểm soát. Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam được gọi đùa là "rừng trống rỗng" (empty forest) hay "rừng lặng thinh" (silent forest) bởi vì vào rừng không thấy, không nghe được chim chóc, thú rừng gì cả.

Trung Quốc có thể nói là trung tâm tiêu thụ động vật hoang dã lớn nhất thế giới. Nhu cầu khổng lồ từ Trung Quốc thu hút dịch thuật nguồn cung từ rất nhiều nước, đại đa số là qua săn bắt trái phép. Lần này với tác hại của đại dịch nCoV, cộng với lệnh cấm dù là tạm thời, hy vọng sẽ là một chất xúc tác làm giảm đi tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã, không chỉ ở Trung Quốc mà cả nhiều nước khác trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây .

TS. Trần Triết

(Đại học Khoa Học Tự Nhiên, Đại học Quốc Gia TP HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét